Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Tiểu sử làng Rùa(Đàn Giản)

Chương 1
1. Tên làng

Làng Đàn giản , tức làng Rùa hạ ngày nay. Từ xưa tới nay không có bút tích nào ghi lại về nguồn gốc Tên làng xuất xứ từ bao giờ , hoặc gia đình nào, chi tộc nào khai sinh ra quê hương làng Rùa mà được tồn tại cho thế hệ hôm nay và mai sau .
Theo truyền thuyết, cũng như căn cứ vào Ngọc phả còn lưu laị tại đình làng ta , trùng hợp với Ngọc phả của các đình làng thôn Từ am – thôn Gia vĩnh và thôn Dư dụ , đồng thời căn cứvào lịch sử Giáo hội công giáo Việt nam thì Tên Trại Rùa, Trại am , xã Đàn giản đã có từ thời Nguyễn bính 1572 , nhất là thời vua Minh mệnh cấm đạo công giáo , đã nói đến tên tuổi trại Rùa trong sử sách Công giáo,qua đó chứng minh được rằng ,địa danh làng Rùa đã có từ hàng ngàn năm rồi .

+Tên làng Rùa có ý nghĩa gì :

Theo truyền thuyết kể lại , cũng như các nhà địa lý giải thích: Đặt tên làng Rùa là dựa trên địa hình Thổ cư hình mai con Rùa , dọc giữa làng thì cao, xung quanh thì thấp dần , đồng ruộng bao bọc quanh làng . Lại có truyền thuyết kể lại;
Từ xa xưa khi các Cụ mới định cư,khai sinh ra trại Rùa trong những buổi sáng ,các Cụ thường ra đồng thăm lúa và hoa mầu , nhiều lần gặp những chú Rùa vàng bò trên đường đi, khi gần tới , thì các chú Rùa vàng biến mất, nhiều lần gặp Điềm lạ như vậy , tin lành đồn đi xa, do đó bà con dân làng có ấn tượng sâu sắc, từ đó quen gọi là làng Rùa và cũng là tên chính thức hiện nay. Đặc biệt tên và biểu tượng con Rùa còn có ý nghĩa : Cao đẹp , trường tồn, vĩnh cửu Tên Rùa còn được miêu tả trong các câu chuyện dân gian, có phép mầu như Thần Kim quy,Rùa vàng Hoàn kiếm cho Vua Lê, trong văn miếu Quốc Tử giám cũng được trưng bầy hàng trăm con Rùa đá,biểu trưng cho các bậc hiền triết.chính nhờ đó qua nhiều thế hệ,từ cổ tới kim người dân rất trân trọng yêu mến danh từ đó, vì đã được chính các cụ tổ tiên khai sinh và đặt tên cho
Làng Rùa, từ xa xưa còn gọi là làng Đàn giản. Vào đầu thế kỷ 16, thời Nguyễn Bính năm 1572, làng Rùa sát nhập với làng Thượng và xóm Từ Am, gọi là xã Đàn giản .Thời gian đầu khi mới nhập đạo, những gia đình theo đạo gọi là thôn Giáo, còn những gia đình không theo đạo thì gọi là thôn Trung, những gia đình tuy theo hai đạo khác nhau , nhưng cùng chung sống lẫn nhau, trên cùng một địa bàn dân cư .
Từ năm 1900 đến 1930 xã Đàn giản sát nhập với xã Vĩnh thị và xã Gia dụ, rồi đổi tên là xã Thuỳ dụ. Từ năm 1930 đến năm 1953 xã Thuỳ dụ sát nhập với xã Văn hoá (tức xã Thanh văn ) rồi gọi tên chung là xã Văn thuỳ, thuộc tổng Hà liễu, quận Văn điển, tỉnh Hà đông .
Từ năm 1954 xã Văn thuỳ phân chia làm hai xã như cũ, xã Văn hoá đổi tên là xã Thanh văn, còn xã Thuỳ dụ cũ đổi tên là xã Thanh thuỳ, hai xã này cùng thuộc huyện Thanh oai, tỉnh Hà tây.
2+Vị trí địa lý, hành chính .
Làng Rùa (còn gọi là Đàn giản), nằm về phía nam thủ đô Hà nội cách trung tâm Hà nội khoảng 15 cây số theo đường chim bay, sinh sống hai bên triền sông Nhuệ giang .
Làng Rùa, nay gọi là thôn Rùa hạ, cũng như nhiều làng quê khác có luỹ tre xanh bao bọc quanh làng, có đồng chiêm trũng rộng bát ngát có giếng nước, cây đa,cây đề,cổng làng, nhiều nhà trồng những cây cau, cao thẳng ,những buồng hoa cau toả mùi hương cau thơm mát,đậm tính đồng quê Việt Nam , nhiều cây gạo lớn ở cửa nhà Thờ, ở bãi nâu,ở đình làng, ở nền tạm,ở khu Vườn thánh, tất cả cùng đua nhau nở hoa khoe sắc đỏ chói bừng sáng hồng in trên nền trời xanh.Làng ta có nhiều di sản văn tôn giáo, như nhà Thờ, đình chùa, miếu mạo, vườn thánh,lại có dòng sông Nhuệ giang từ Cầu đen chẩy về đem phù sa mầu mỡ cho đồng ruộng, rồi chẩy ra cầu Chiếc, chẩy xuôi xuống Đồng quan . Dòng sông Nhuệ chẩy qua, khác chi mạch máu hồng tươi chảy dọc giữa cơ thể nuôi dưỡng đồng quê, đã chia làng ta thành hai khu dân cư, phía đông là xóm Trại, phía tây dòng sông gọi là xóm Thượng và xóm trung, liền kề quốc lộ 71, thuận lợi cho việc đi lại bang giao với các nơi .
Làng ta muốn đi Thủ đô Hà nội, có 3 lối :
+Lối 1:từ làng qua làng Gia vĩnh, dư dụ, qua cầu Chiếc rồi tới Thường tín, thẳng quốc lộ 1 rồi lên Hà nội, khoảng 25 cây số.
+ Lối 2: Từ làng qua Bối khê , Bình đà, Thạch bích, Ba la, lên thị xã Hà đông rồi thẳng tới Hà nội, khoảng 20 cây số .
+Lối 3: Từ làng qua thôn rùa thượng cầu đen Vanh giả, rồi tới Quỳnh đô, Văn điển tới quốc lộ 1 rồi thẳng tới Hà nội, khoảng 17 cây số .

3 + Đặc điểm địa dư các xóm xưa và nay :
Làng Rùa ta từ xa xưa,chia làm 3 xóm chính
a+ Xóm Thượng : nằm ở phía tây bắc sông nhuệ,có một chiếc cổng làng xây bằng gạch rất kiên cố,ở vị trí ngang nhà anh Ninh loan bây giờ, xóm thượng, có ngôi nhà thờ, nhà xứ, có khu Vườn thánh, có giếng nước cây đề cổ thụ, xóm thượng được kể từ nhà thờ trở lên cổng làng, trước năm 1954, dân cư chỉ ở từ cổng làng trở xuống nhà thờ,lối ra bờ giếng chỉ đến nhà ông Nhâm là cuối cùng . ngày nay 2005 dân số đã tăng nhiều, bà con dân làng đã làm nhà vượt ra khỏi cổng làng hết khu ruộng móc rắn,gần hết khu ruộng mả lê, kín cả khu bờ giếng, và khu sau ao. Xóm Thượng đất chật người đông, kinh tế thì nghèo, trước năm 1954 cả xóm chỉ có 9 ngôi nhà ngói đơn sơ ( nhà cụ nhiêu Thăng, cụ Quý Viết, cụ Trừ Tịnh, cụ Hương Nhân, cụ Kiểm Cốc, cụ Sử, cụ Quản Tuynh cụ Nguyên Hưởng, cụ Trang Đài)
Ngày nay nhờ có chính sách đổi mới, xóm Thượng đã giầu, có tới 40 ngôi nhà mái bằng hiện đại,chiếm 20%, nhiều nhà cao tầng lộng lẫy,nhiều nhà còn làm bằng gỗ kiểu cổ hiện đại, nhiều nhà đã có những đồ dùng đắt tiền,không còn nhà tranh tre lợp bằng rơm rạ như xưa.
b - Xóm Trung xưa và nay :
Xóm trung nằm ở về phía tây nam sông Nhuệ giang, đối diện với xóm trại, xóm Trung được kể từ dưới nhà thờ trở xuống nhà ông Cao bây giờ,xóm trung có ngôi Chùa cổ kính, có 1 cái cổng xây bằng gạch hiện đại,nằm ở vị trí ngang nhà ông Tám bây giờ, có khu nhà Thờ cũ, có chiếc cầu qua sông sang xóm trại,các cổng làng của các xóm,sau cải cách ruộng đất năm 1957 đã phá đi,ai cũng luyến tiếc. Những năm gần đâydân số phát triển, dân cư đã làm nhà vượt ra khỏi cổng làng, dọc theo bờ sông xuống đình Gia vĩnh, và còn ở hết khu sau ao, dia vực, dia luỹ tre nhà xứ v. v. Chiếc cầu Gồ nay được thay thế bằng đường lát gạch, có cống dẫn nước.
Trước năm 1954 cả xóm trung chỉ có 17ngôi nhà ngói đơn sơ:(nhà cụ Thơ Hiền, cụ Thọ Khang,cụ quỹ Từ, cụ chánh Trì,cụ chánh Tạo, cụ Kính Nụ,cụ lý Cơ, cụ ba Soạn, cụ Đồ Giới, Cụ Quỹ Năng, cụ ba Khương, cụ Trùm Cập, cụ Trùm Đúc,cụ hai Cậy,cụ Hồ Giáp,cụ phó Nhâm,cụ hào Khương . )Ngày nay đời sống đã đổi thay,không còn nhà tranh vách đất, lợp bằng rơm rạ như xưa,nhiều nhà mái bằng, nhà cao tầng lộng lẫy đã mọc lên, chiếm 20% nhiều nhà đã có những đồ dùng đắt tiền.

C- Xóm Trại xưa và nay :

Xóm trại nằm ở phía đông sông Nhuệ giang, đối diện với xóm trung và xóm thượng,địa bàn xóm trại có Đền Thánh tử đạo, có chợ, nhà hộ sinh Công giáo, lăng sư,có trường học đầu tiên của công giáo,có 2 giếng nước ăn ,và 2 cổng làng xây bằng gạch kiên cố, một cổng ở ngang cửa nhà ông Long tươi bây giờ, còn một cổng ở trước cửa nhà anh Thạch bây giờ. Các cổng , giếng, chợ, trường, nhà hộ sinh nay không còn nữa, nhưngvẫn còn ghi dấu ấn trong tâm khảm của nhiều người cao niên .
Trước năm 1954, xóm trại toàn tòng người công giáo, đất rộng người thưa,ngoài việc làm đồng ruộng, nhiều gia đình làm nghề lò rèn, đánh kiềng, đanh khuy, đanh thuyền,dõng rãnh .đời sống nghèo khổ,cả xóm chỉ có 13 ngôi nhà ngói đơn sơ ( nhà cụ Hàn Hoan, cụ Phượng Tành, cụ Vinh Tầm, cụ Cả Lân,cụ Thường Loan, cụ Phượng Loan, cụHải Hà, cụ Thơ phúc,cụ Thơ Lực, cụ Từ Hoan,cụ Đội Lan,cụ Phận, ngày nay 2005 đời sống đã đổi thay nhiều, không còn nhà tranh vách đất,có tới 30 ngôi nhà mái bằng ,nhà cao tầng kỉên cố ,lộng lẫy,chiếm 20%số hộ,nhiều nhà đã sắm những đồ dùng đắt tiền.

5 - Đất thổ cư và thổ canh xưa và nay.

* Đất thổ cư: Từ năm 1954 trở về trước chỉ có khoảng 13 mẫu bắc bộ =45.000 mét vuông, đầu làng chỉ có từ nhà anh Ninh loan trở xuống, khu bờ giếng kể từ nhà anh Minh Kínhtrở vào,cuối làng chỉ có từ nhà ông Cao trở lên, khu sau ao chỉ có từ nhà ông Phúc Đoán trở vào,xóm trại chỉ có từ nhà ông Long tươi trở vào,và xóm chợ chỉ có từ nhà anh Thạch Hường trở vào.Ngày nay dân cư các xóm đã vượt ra khỏi gianh giới nói trên, số diện tích thổ cư lên tới 30 mẫu bắc bộ,tăng nhiều so với trước đây.
* Đất thổ canh :Diện tích canh tác trước năm 1954,làng ta có khoảng 500 mẫu bắc bộ nằm trong địa bàn đồng làng ta,ngoài ra có khoảng 100 mẫu thuộc địa bàn các thôn lân cận :một số ở đồng chùa đeo,đồng Quan nhân, Liễu nội, Thiên đông, Bối khê.Rùa Thượng, diện tích canh tác phần lớn thuộc quyền sở hữu tư điền, diện tích công điền chỉ có một số ít để điều hành các việc công .
Ngày nay diện tích canh tác đã mất đi quá nhiều với những lý do sau :
Từ sau cải cách ruộng đất năm 1957 diện tích canh tác quy hoạch lại, thu hồi diện tích của tư điền để công hữu hoá, không còn tư hữu, tất cả là của chung, mọi người phải vào hợp tác xã v.v.
Một số diện tích ở đồng các thôn chuyển cho các thôn đó .
Một số diện tích chuyển cho các cơ quan đơn vị nhà nước (khu đồng túc để làm ao cá, hơn 10 mẫu bắc bộ).
Một số diện tích chuyển để xây dựng các cơ sở vật chất :như Khu chợ mới, khu làm việc của Uỷ ban, khu làm việc của Hợp tác xã nông nghiệp,ao thả cá, khu trường học cấp 1 và cấp 2, khu bãi bóng Tổ rồng, Khu nghĩa trang nhân dân,khu làm lò gạch, làm trạm bơm ,làm ao Đình v.v.
Một số diện tích giãn dân:như khu đầu làng,khu mả lê, móc rắn khu sau ao,bờ giếng ,dia luỹ,khu sau ao dia vực, nền tạm,khu vườn xưa, mả bòng,góc bãi, khu cửa bến v.v diện tích canh tác hiện nay chỉ còn khoảng 300 mẫu bắc bộ.

6 - Các dòng họ xưa và nay:Theo các cụ cao niên truyền lại, căn cứ vào sổ sách điều tra dân số của công giáo năm 1900 cho thấy :từ xa xưa làng ta có 6 dòng Họ chính
1- Họ Đặng thuộc chi tộc cụ Lý Đệ (tức chi cụ Thọ Khang,cụ câu Thinh bây giờ)
2- Họ Lê thuộc chi tộc cụ Ong ( tức chi cụ Trí tuệ, cụ nhiêu Viết, cụ ba Soạn bây giờ )

Họ Nguyễn có 3 chi tộc.
3- Họ Nguyễn thuộc chi tộc cụ Trùm Cập ( tức chi cụ Minh Ất, cụ Thơ Hiền bây giờ )
Họ Nguyễn thuộc chi tộc Cha già Tín ( tức chi cụ cả Lân bây giờ )
Họ Nguyễn thuộc chi tộc Cha già Tư ( tức chi cụ Toà bây giờ )
4 -Họ Lý thuộc chi tộc cụ Lý Cơ bây giờ .
5 - Họ Tạ thuộc chi tộc cụ Hồ Giáp, cụ hào Khương,cụ Phó Nhâm bây giờ .
6 -Họ Trần thuộc chi tộc cụ Lạng bây giờ .
Họ Lý, họ Tạ , họ Trần, 3 họ này không có người theo đạo, họ Nguyễn, họ Lê thì một số theo đạo Thiên chúa, còn một số theo đạo Phật , Đặc biệt có một họ Đặng thì theo đạo toàn diện Trải qua nhiều thế hệ,làng ta là nơi “đất lành chim đậu” nhờ đó đã có nhiều dòng họ mới cùng chung sống xây dựng quê hương: như họ Hoàng, họTrịnh,họ Thái, họ Kiều, họ Đỗ,họ Vũ, họThẩm, họ Ngô. Đa số là họ nguyễn và họ Tạ , nhưng mỗi họ không cùng một nội tộc.

Đặng Danh Thơm

Không có nhận xét nào: