Thứ Năm, 5 tháng 2, 2009

Kỷ yếu(tiếp)

Quá trình sống Đạo của giáo dân họ Bối Khê xưa và nay.

Trong nhiều năm qua , vì đất nước có chiến tranh, lại sống trong khung cảnh xã hội chủ nghĩa Vô sản , đời sống khó khăn , do đó, nhiều gia đình Công giáo phải đi làm rôi định cư ở các tỉnh xa , nhiều Phụ nữ đi lấy chồng xa, hoặc lấy chồng không cùng một Tôn giáo, nhiều người đi hoạt động Cách mạng , trong cùng những thời điểm đó thì các Cha cũng không có kéo dài trong nhiều năm , không những thế , Giáo họ Bối Khê lại sống trong một môi trường Cô đơn ,sinh hoạt giao tiếp xung quanh mình toàn là người khác Tôn Giáo,thật là khó khăn cho việc giữ đạo , nhất là cho thế hệ trẻ chính vì vậy Sự Đạo , dân số không phát triển được . việc giữ các giới luật trong đạo cũng thật khó khăn , nhất là việc Rửa tội cho con cái , dạy cho con cháu giữ đạo , viêc hôn nhân và gia đình , việc lãnh các phép giờ sau hết . Trong điều kiện sống , với môi trường như vậy , nhiều gia đình đều măc vướng mắc ngăn trở v.v. Do đó viêc tháo gỡ các ngăn trở cũng dần dần được khắc phục .

Qua thống kê năm 2000 Giáo Họ Bối khê có 14 hộ Công giáo , thi 7 hộ ở các tỉnh xa , chỉ còn 7 hộ ở nhà mà thôi , tổng số có 74 nhân danh .trong đó 38 nam 36 nữ

Mặc dầu việc giữ đạo có khô khan , giáo dân thì ít ,sống cô đơn , tinh thân sống Đạo bị hao mòn , nhưng nhờ có mầm mống Đức tin vẫn còn khả năng phục hồi , triển nở . Chính nhờ đó Ngôi Nhà Thờ của Giáo Họ,vẫn được bảo tồn . vì đó là một Di sản vô giá của Tổ tiên để lại cho chúng ta , đó lá niềm tin Ky tô Giáo “ Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế

Sơ lược tinh thần sống Đạo 25 năm qua từ năm 1980 tới nay 2005

Của Giáo Họ Bối Khê .

“Thày đây các con đừng sợ “

Trong bối cảnh xã hội như vậy , đã làm ảnh hưởng đến việc giữ đạo , do đó đã để lai nhiều hậu quả không hợp với giới luật , vì vậy phải tìm cách khắc phục .

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước tới nay 2005, được Cha chánh xứ Thạch Bích , quản nhiệm xứ Đàn Giản , đã bầu ra ban hành giáo, nhưng chỉ có một vị tham gia ,để lo lắng các việc trong giáo họ cùng kết hợp với ban hành giáo của nhà xứ, đó là Cụ Giu se Nguyễn văn Quang . đến năm 1998 mới bầu thêm Ông Giu se Nguyễn văn Ái làm Thơ ký , và bà Ma ri a nguyễn thị Minh làm quản giáo .

Nhờ có sự quan tâm của Cha quản xứ Vi cen tê Nguyễn Đăng Xuyên , sự nhiệt tình của ban hành giáo nhà xứ , cùng với sự nỗ lực của các vị trong Giáo Họ. Nhờ đó hàng năm xin Linh Mục về dâng Lễ quan Thày cho Giáo Họ vào ngảy 08 tháng 12 để có dịp quy tụ các bà con đồng hương xa gần về cùng họp mặt, đồng thời thức tỉnh những người còn khô khan .v.v... Để có khí thế , thêm lửa yêu mến Chúa , đem ánh sáng vào nơi tối tăm Với tâm tình ấy nhà xứ đã tổ chức các buổi Dâng hoa trọng thể trong tháng Đức Bà , tháng Mân Côi tổ chức ngắm 15 sự thương khó trong mùa chay, Các ngày lễ quan thày , ngày lễ thường kỳ , những người qua đời Ca Đoàn nhà xứ cũng như các hội đoàn đến tham dự rất đông v.v.

Những cụ Bà cao tuổi đã xin vào Hội Cầu Nguyện , các Cụ ông thì vào Hội Thánh Giu se, các chi em phụ nữ thì vào hội Mân côi , hội Hiền Mẫu .

Một số gia đình lỗi luật Hôn Nhân , năm 1999 đã tháo gỡ cho 5 đôi hôn nhân, Rửa Tội cho 5 người lớn và 3 em đã lớn tuổi , cùng 2 cháu xưng tội rước lễ lần đầu .

Hàng tháng có cháu nhỏ sơ sinh đều lo rửa tội tại nhà thờ chánh xứ, các cháu đến tuổi đều học kinh bổn để xung tội rước lễ , các đôi hôn nhân , các bệnh nhân , lúc lâm nguy cũng như lúc qua đời đều lo các phép trong đạo,

Mùa chay , mùa Phục sinh đều phải thi kinh bổn , giáo lý cùng với các họ , tại nhà xứ , có thưởng , phạt ,v.v. .

Ngược dòng thời gian ,Uống nước nhớ nguồn

Thấm thoát đã hơn 100 năm trôi qua , Các Cha coi sóc đần dần đã khuất bóng , song những gương mặt ,những tên tuổi , Công đức của các Ngài vẫn còn khắc sâu trong trâm trí của nhiều Giáo dân , Tên các Ngài còn in đậm trong các trang sổ Rửa tội .

Dưới đây là danh sách các Cha đã coi sóc và nuôi dưỡng Đức tin cho Giáo Họ Bối Khê :

Trước năm 1900 thì không còn sổ sách lưu lại .

Từ năm 1900 đến năm 1920 là Cha Phê rô Sinh .

Từ năm 1920 đến năm 1929 là Cha Giu se Hiếu .

Từ năm 1930 đến năm 1943 là Cha Giu se Đường .

Từ năm 1944 đến năm 1945 là Cha An Tôn Khoa .

Từ năm 1945 đến năm 1946 là Cha giu se Bính .

Từ năm 1946 đến năm 1947 là Cha Phê rô Đoài .

Từ năm 1948 đến năm 1954 là Cha Giu se Mạnh .

Từ năm 1955 đến năm 1958 là Cha Phê rô Tín.

Từ năm 1959 đến năm 1971 là Cha Phê rô Kỷ .

Tháng 10 năm 1971 Cha Kỷ qua đời .

Từ năm 1971 đến năm 1973 , Cha Minh và Cha Lâm chính xứ Thạch bích trông coi

Cuối năm 1977 Cha Vi cen tê Nguyễn Đăng Xuyên, chính xứ Thạch bích , kiêm quản xứ Đàn giản và Giáo họ Bối Khê cho tới ngày nay 2005 . Trong thời gian gần 30 năm Cha Xuyên Quản nhiệm , có nhiều năm bị gián đoạn , do chính sách của nhà nước , mỗi năm chỉ có một Lễ quan thày mà thôi. Măc dầu vậy , nhò có nền móng Đức Tin , và ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp , chỉ có một số rất ít giáo dân , vẫn gìn giũ ,ấp ủ ngọn lửa mến Chúa , bảo tồn nhà Thờ Chúa vững bền v.v..

Sơ lược các thời gian tôn tạo nhà Thờ Giáo họ Bối Khê

Ngôi Nhà Thờ Giáo Họ Bối Khê tuy nhỏ bé so với các Nhà Thờ trong Giáo Xứ , nhưng là một một di sản quý báu cho mọi người trong Giáo ho , cũng là một bằng chứng của nền móng Đức Tin mà các vị Tiền Nhân đón nhận để lại cho chúng ta ,

Trải qua nhiều năm tháng , thời tiết khí hậu ,nắng mưa cũng thay đổi ,Chế độ xã hội , đời sống kinh tế khó khăn cũng đã làm cho tinhthần sống Đạo bị lắng chìm , nhạt phai , Ngôi Nhà Thờ cũng bị xuống cấp , gỗ thì mối mọt , ngói thì vỡ , mà không có Tiền mà sửa chữa ,

Nhờ có sự giúp đỡ của bà con giáo dân nhà xứ, về tài chính , nhân lực , do đó năm 1985 đã xây tường bao xung quanh , để bảo tồn diện tích khuôn nhà Thờ , khỏi bị dân lấn chiếm vá lát gạch nền nhà Thờ .

Năm 1992 mái nhà bị võng , tre làm hoành bị hư hỏng , mưa là bị dột , vì vậy đã phải sửa tạm rồi đảo lại ngói . đóng lại một số cửa v.v.

Năm 1997 là năm thứ nhất của 3 năm chuẩn bị Mừng năm Đại Toàn Xá 2000, được Toà Giám Mục Hà Nội giúp đỡ một chút kinh phí , phần lớn là nhờ vào lòng quảng đại của bà con Giáo đân xa gần trong Giáo xứ nói chung và trong Giáo Họ nói riêng , Nhờ đó mới dám giải hạ toàn bộ mái , sửa lại khung nhà, xây lại bàn Thờ chính , bàn thờ phụ 2 bên, trồng một số cây xung quanh nhà thờ cho mát ,như cau, nhãn.v.v.. Nhân lực do nhà xứ chịu trách nhiệm, phần công thợ mộc ,thợ nề, do bà con có liên hệ họ hàng nội ,ngoại ở Thạch Bích, ở Cao Mật bến công đức v.v. Nhờ có tinh thần giúp đỡ ấy, Ngôi Nhà Thờ Chúa được khang trang sạch sẽ , chuẩn bị tổ chức Mừng Kỷ niệm Nhà Thờ Giáo Họ bối khê xây dựng được tròn 100 năm ( 1899 –1999 ) một cây làm chẳng nên non , 3 cây chụm lại nên hòn núi cao .

Năm 2003 một số bà con đồng hương ở Hà Nội , Hải Phòng đã công đức kinh phí để xây tượng đài Thiên Thần Bản mệnh trước cửa Nhà thờ , để chiêm ngưỡng ,tôn kính , tri ân cùng xác tín sự che chở của Thiên Thần Bản Mệnh ,dưới sự ban ơn của Mẹ Ma ri a Vô Nhiễm cho bà con trong Giáo họ trải qua bao thăng trầm .

3 - Giáo họ Thiên Đông

Giáo ho Thiên đông thuộc giáo xứ Đàn Giản ,cách nhà Thờ chính xứ 3 cây số về phía tây bắc. Đón nhận Đức tin từ ngày tháng năm nào , gia đình nào nhập đạo đầu tiên thì không có bút tích lưu lại , nhưng chúng ta xác tín rằng , Giáo dân của các Giáo họ trong Giáo xứ Đàn Giản cũng như các giáo xứ trong Địa phận , cùng chung một hoàn cảnh , một niềm Tin , một thời điểm đón nhận ánh sáng Phúc Âm , chính vì vậy Giáo họ Thiên Đông đã sớm xây được một Nhà Thờ xứng hợp từ năm 1928 ,

Số nhân danh từ xưa tới nay của họ Thiên Đông có nhiều so với họ Gia vĩnh và họ Bối Khê, Theo số liệu điều tra dân số năm 2005 , thì Họ Thiên co 115 nhân danh , mọi sinh hoạt Tôn Giáo vẫn đều dặn như các giáo Họ trong giáo xứ , hàng năm thường được Cha xứ về dâng thánh lễ trong các ngày lễ quan thày của Giáo Họ, hoặc vài tháng Cha về dâng lễ một lần ,

Giáo Họ thiên Đông mừng lễ Quan Thày vào ngày tháng 9 hàng năm, là ngày Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Quá trình sống Đức tin xưa và nay của Giáo họ Thiên Đông .

Trước năm 1954 thì các sinh hoạt tôn giáo bình thường như các giáo họ trong xứ , . sau năm 1954 đấ t nước chia cắt , lai chiến tranh kéo dài , người ở lai , người di cư vào nam , lai không có Linh mục coi sóc , đời sống kinh tế rất khó khăn nhất là việc đi lễ thì xa giữ lễ, giữ trọn các giới luật thì khó , đo đó nhiều gia đình đều vướng mắc về luật Hôn nhân . Mặc dầu do thời thế , ngoại cảnh tạo nên những khó khăn , những trở ngại , Việc giữ Đạo tuy không được bành trướng ,song vẫn giữ được nề nếp , nhưng trong trạng thái thầm lặng v.v.Moi sinh hoạt phụng vụ , đều có sự cộng tác của nhà xứ , mỗi khi Cha về dâng Lễ , thì nhà xứ phải chuẩn bị giúp giáo họ , đài loa , mi ca ro , các cháu giúp lễ , các cháu Ca đoàn , bánh Rựợu, chuông , áo lễ v.v.

Nhờ có chính sách Đổi mới , cũng như chính sách Tôn Giáo được cải thiện dần dần , việc sinh hoạt tôn giáo được mạnh dạn hơn ,công khai hơn ,sốt sáng hơn , lòng đạo đức từ mỗi người , mỗi gia đình trong Giáo họ được thăng tiến nhiều , Hội hoa đã được thành lập tập luyện để dâng hoa . trong tháng Đức Bà ,tháng Mân Côi . Hội Ca đoàn cũng được thành lập để hát phục vu các buổi lễ , các giờ chầu thánh thể , NHờ đó, năm 2000 Cha Xứ, đã đặt Mình Thánh trong nhà Chầu để bà con trong giáo họ hằng ngày tới Chầu an ủi Chúa và phụng vụ lời Chúa trong các ngày Chủ Nhật khi không có linh Mục làm lễ .Hàng tuần hàng tháng khi nhà xứ có lễ thì xuống nhà thờ xứ dự lễ và thay Mình Thánh, hàng tháng có trẻ sơ sinh thì đem xuốngnhà xứ để Rửa Tội , cũng như các cháu xưng tội rước lễ lần đầu.

Các Cụ bà cao tuổi đã vào hội cầu nguyện , các chị em trung tuổi thì vào hội Mân Côi , hoặc hội Hiền Mẫu , các cụ ông thì vào hội Thánh Giu se, các hội đều quy về một mối là ở nhà xứ ,mỗi khi lễ quan thày hội đoàn nào thì hội đó tổ chức lễ và tiệc mừng lễ vui vẻ .

Hàng năm trong mùa chay , mùa Phục sinh phải thi kinh bổn tại nhà xứ v.v. Năm 1998 là năm chuẩn bị đón mừng năm Thánh Đại toàn xá 2000 ,trong dịp này dọn mình xứng đáng , trong Giáo ho đã Tháo gỡ cho một số gia đình lỗi luật hôn nhân , Rửa tội cho một số người lớn tuổi và làm phép thêm sức cho một số cháu .v.v.

Sơ lược về việc bảo tồn di sản tôn giáo của họ Thiên Đông .xưa và nay

Ngôi Nhà Thờ của Giáo Họ xây dựng từ năm 1928 , nhỏ bé tường xây bằng gạch, mái làm bằng gỗ , lợp bằng ngói sông cầu , ghế ngồi không có,các đồ thờ tượng ảnh v.v. cũng đơn giản , qua nhiều năm ngôi nhà thờ dã xuống cấp , trong khuôn viên Nhà Thờ cũng tan hoang , tiêu điều , Tất cả vì đời sống khó khăn , ai nấy đều lo lắng công việc sinh nhai của gia đình mình , các công việc của Công trong họ không được quan tâm đến .

NHỜ ƠN CHÚA ban cho Giáo họ , kết hợp với chính sách đổi mới , mọi người trong giáo họ cùng với sự chung sức chung lòng của giáo dân trong giáo xứ trên các công việc trùng tu tôn tạo , cùng với nền móng Đạo đức sẵn có của mọi ngưới trong Họ , nhờ đó mỗi ngày một thăng tiến về mọi mặt , dân số ngày thêm đông , kinh tế pháp triển , đời sống ấm no , lòng đạo đức ngày một triển nở , Chính Vì vậy sau những năm đổi mới , Tôn giáo được dễ dàng hơn , Giáo họ đã từng bước tôn tạo , như sửa lại mái nhà thờ , xây tường bao quanh khuôn viên nhà thờ , đóng ghế ngồi , trng bị đèn diện , quạt trong , ngoài ,, cở người đi học nhạcđể hướng dẫn Ca đoàn , rồi mua được chiếc đàn Oc gan , mõi khi có lễ , không phải nhờ đến nhf xứ . Giáo Họ đã Xây Tượng Đài Đức Mẹ Sầu Bi quan Thày Giáo Họ ,xây một ngôi nhà Phòng Rộng để có nơi Cha về nghỉ ngơi , họp hành , học kinh bổn , học hát v.v.

Đặc biệt tháng 9 năm 2005 Giáo họ đã xin phép Bề trên Địa phận và các cấp chính quyền được xây mới ngôi thánh đường to đẹp hơn khang trang hơn cho xứng hợp với thời đại mới ,

Nguyện vọng chính đáng đó, đã được chấp nhận , được bà con , các hội đoàn trong Giáo xứ Đàn giản , trong nước , hải ngoại , miền nam nhiệt liệt hưởng ứng ,người góp công ,người giúp của , nhờ đó ngày Mồng 5 tháng 9 năm 2005 Cha quản xứ Vi cen te Nguyễn đăng Xuyên làm Lễ khởi công , đến ngày 25 tháng 10 năm 2005 đã xây xong phần móng , Cha xứ đã tổ chức Thánh lễ đồng tế đặt viên đá Thánh Vĩnh cửu cho Ngôi Nhà Thờ .

Ngôi nhà thờ mới này dài , …. Mét, Rộng ….. mét , gồm …… gian

4 -- Giáo họ Chính xứ Rùa

Quá trỉnh sống đức tin của Giáo dân họ Kẻ Rùa Xưa và nay .

A - Giai đoạn 1 từ năm 1955 trở về trước :

Chúng ta vui mừng và tạ ơn Chúa . Từ khi đón nhận đức tin , cho tới nay đã trải qua nhiều sóng gió , nhưng sức sống Đạo luôn vững vàng, số nhân danh Công Giáo ngày một thêm đông, lòng đạo đức , tinh thần sống Đạo cũng được triển nở , Nhìn lại quá khứ , từ năm 1900 đến 1954 chúng ta thấy Giáo xứ chúng ta luôn luôn có Linh Mục coi sóc ,có những năm 2 đến 3 Linh Mục coi sứ , giáo dân giữ đạo rất sốt sắng , đi Lễ , đi Chầu rất sầm uất , tối sớm nhà nào nhà ấy , từ ông bà , Cha Mẹ đến con cháu , cùng nhau đọc kinh tại nhà ,âm vang cả làng , nhất là mùa Chay , các xóm , các nhóm , các hội đoàn đua nhau học kinh bổn để thi , nhiều Hội đoàn được thành lập từ xa xưa , như Hội Cầu nguyện , Hội Hát , Hội Nghĩa Binh Thánh thể , hội Bát âm , Hội Trống , Hội Kèn Đồng .

Từ xa xưa Giáo xứ Đàn giản nói chung ,Họ Kẻ Rùa nói riêng đã có tiếng tăm về sự tiến triển mạnh mẽvề sức sống đạo so với các xứlân cận , được thể hiện trong ngôi Nhà Thờ Nguy nga bề thế , so với nhiều nhà thờ trong Địa phận

Họ Kẻ Rùa là Họ chính Xứ Đàn giản , nhận Đức Mẹ Mân côi là Quan Thày Giáo xứ , mừng lễ vào 15 tháng 8 hàng năm , là Lễ Đức Mẹ Linh hồn và xác lên trời .

Với lòng Đạo đức chân thật thấm sâu trong tâm hồn mỗi người trong Giáo xứ , Giáo Họ , Mọi sinh hoạt Tôn Giáo đã trở thành nề nếp , trên bảo dưới nghe cùng nhau đoàn kết yêu thương như một đại Gia đình . Mỗi kỳ đại lễ tới , bầu khí quê hương rất là náo nhiệt :

1--Lễ No en , vì chưa có hang đá thật , do đó gần đến ngày lễ Sinh nhật, các bô lão trong dân hồ hởi đến nhà thờ làm hang đa , trang trí sao cho thật Lộng lẫy , vót bông, làm cột cờ , các cháu thiếu nhi , thi đua làm đèn sao, to đẹp chấm điểm Nhất Nhì Ba để lĩnh Phần Thưởng , các em Nghĩa binh thi đua làm nhiều việc lành , biên kho dâng Chúa Hài Đồng v.v.

2 -- Trong mùa Chay , thi nhau học kinh bổn, giữa nhóm này với nhóm khác , hội này với hội khác , ganh nhau học thuộc để chiếm vị trí xếp Thứ nhất , đó cũng là điều đáng trân trọng , vì nó xuất phát từ lòng Đạo đức mà có ,phần thưởng thường là bánh dầy , bầu khí thật là náo nhiệt và sôi động , như là một ngày hội thi Kinh bổn . Hằng ngày trong mùa chay , trưa , chiều bà con tới Nhà thờ đọc kinh , ngắm 5 dấu đanh , ngắm rằng , ngắm 5 sự thương khó , v.v. Trong tuần Thánh Ngắm Đứng 3 tối ,tới khuya mới xong , nhất là chiều thứ 5 tuần Thánh có cử hành Nghi thức Rửa chân , Lễ Truyền Phép , Rước kiệu Mình Thánh ,buổi tối các Hội đoàn chia nhau giờ chầu cho tới sáng hôm sau thật là sốt sáng .

3 - Tháng 5 là tháng Hoa, tháng tôn vinh Đức Mẹ , đã có truyền thống từ xưa , các cháu Nữ nhỏ tuổi đua nhau đi xin Hoa của các nhà bên Giáo cũng như bên Lương , kể cả những nhà ở làng cũng như Đình Chùa và các nhà ở làng lân cận ,,em nào em ấy mong sao mình có nhiều hoa , bày sao cho đẹp để dâng kính Đức Mẹ. Các buổi chiều, tố icác cháu rủ nhau tâp hát vãn, tập múa , sao cho múa thật đều , hát thật hay để ngợi khen Đức Mẹ .

4 - Lễ Chầu Lượt của Giáo xứ Đàn giản ; thường vào tuần thứ 2 của tháng 7 hàng năm, Trong ngoài Nhà thờ trang hoàng lộng lẫy , mỗi xóm làm một bàn thờ tạm thật đẹp , trưng bầy hoa nến , để Rước kiệu Thánh thể quanh làng tới trạm đó nghỉ chân , mọi người quỳ chầu đọc kinh sốt sáng ..Trong làng, nếu rước kiệu đi qua đường nào thì đường đó chôn cột cờ , treo cờ , xúc xích , lộng lẫy v.v. Lễ Chầu là một lễ đông vui nhất , vì đó là ngày Lễ mà các Gia đình ở xa đều về quê dự lễ, các họ , các xứ lân cận tới đăng ký xin giờ Chầu, gia đình nhà nào cũng có khách khứa , bạn bè tới hiệp thông , rồi tiệc tùng thật là vui vẻ .

5 -- Lễ quan Thày Giáo xứ , vào ngày 15 tháng 8 hàng năm ,là ngày Lễ Đức mẹ Linh hồn và xác lên trời , các họ trong giáo xứ cùng tổ chức xin lễ , tạ lễ , rước kiệu bát cống trọng thể quanh Nhà Thờ , có những năm tổ chức toàn dân ăn tiệc đoàn kết v.v. Cũng là ngày giữa năm , ban trị sự thông qua toàn dân chương trình hoạt động trong 6 tháng cuối năm , đoc danh sách các vị bô lão năm tới v.v.

6 -- Lễ các Thánh và Lễ Linh hồn :Giáo xứ đã có truyền từ xa xưa , một năm 2 lần thu tiền Linh hồn vào dịp lễ Các Thánh, và dịp lễ Ông Bà Ông Vải vào ngày mồng 2 tết Nguyên đán , số tiền đó xin lễ chung cho các đấng các bậc , các linh hồn ông bà Cha Mẹ chung cả xứ v.v. Đồng thời bà con dân làng dua nhau xuống Vườn Thánh cắt cỏ , đắp mộ , quét vôi , trưng bày hoa nến , nơi phần mộ nhà mình , Cộng đoàn Giáo dân, các hội đoàn cùng Thánh Giá nến cao xếp hàng trang nghiêm Rước từ nhà thờ xuống Viếng Mộ ,cùng ca hát, đọc kinh , trong nhà nguyện, mọi người tĩnh tâm ôn lại những trang suy niệm tri ân công đức các vị tiền nhân đã khuất .

7 - Ngày Tết Nguyên Đán , là ngày tết của dân tộc Viêt Nam , đã có truyền thống rất đáng trân trọng , nhất là đêm Giao Thừa , các bô các lão tới nhà thờ chia vui , bên những ấm trà , để Đánh trống cầm canh , đúng 12 giờ đêm thì kéo chuông , đánh trống, đốt pháo âm vang cả vùng , sau đó các bô lão về gia đình , nhà nào ,nhà ấy cùng nhau đọc kinh dâng năm mới cho Chúa v.v . Trong những ngày đầu xuân này , các Giáo xứ, Giáo họ, các Hội đoàn , tổ chức đi Tết Đức Cha , các Cha , các em nghĩa binh, ca đoàn , thiếu nhi v.v. rủ nhau đến mừng tuổi các ông trùm , ông bà quản cùng những vị đứng đầu trong mỗi tập thể .v.v.

8 -- Ngày Hội lệ Mồng 10 tháng giêng âm lịch .

Theo các cụ cao liên kể lại ,Khi chưa có Đạo Công Giáo làng ta đã có truyền thống cứ vào ngày Khai hạ mồng 7 tháng giêng , tổ chức hội dân , sau khi có 2 tôn giáo , thì Bên Công giáo lấy ngày mồng 10 tháng giêng để tổ chức mừng xuân gọi là ngày Hội Lệ ,vừa để mừng tuổi các Tân bô , tân lão , vừa thanh toán tài chính một năm của Giáo họ , báo cáo kết quả những việc đã làm được , việc chưa làm được , rút ưu khuyết điểm, và một số việc của năm mới v.v.

Còn các gia đình có Ông , hay Bố được tuổi: thượng thọ ( 70) tuổi tân bô, (60 ) tuổi Lão (50 ) thì tổ chức mừng thọ linh đình , 2 hoặc 3 chục mâm cỗ mời làng , những gia đình khá giả , hoặc có chức có quyền trong xã hội thì còn linh đình hơn nữa ,nếu làng có nhiều bô lão thì xếp xắp mỗi Bô lão một ngày từ ngày mồng 5 tết đến hết ngày mồng 10 Hôi lệ thì thôi .

9 – Phong trào Nghĩa binh Thánh thể :

Nghĩa binh Thánh thể làng ta được thành lập từ đã lâu , nhưng mãi đến năm 1952 mới được Cha Giám đốc An Tôn Hoàng cao Chiểu về làm Lễ tuyên khấn cho hơn 100 em , và một số em nghĩa sỹ , cùng ban quản hội ., các buổi trưa các chăm chỉ đi viếng Mình Thánh .tối biên kho ,v.v.

10 – Lãnh nhận Bí tích Thêm sức :

Năm 1953 lần đầu tiên giáo xứ Đàn Giản được đón mừng Đức Cha Giu se Trịnh Như Khuê về Dâng lễ và ban Bí tích Thêm sức cho nhiều trẻ em trong toàn Giáo Xứ . Khi đi đón Đức Cha , toàn dân, các hội đoàn ăn mặc chỉnh tề , trống dong ,cờ mở trang trọng đi bộ xuống tận Cầu Chiếc để đón Người , một bầu khí vui tươi đầm ấm , cùng hô vang nhiều lần khẩu hiệu : “Vạn tuế Đức Cha , vạn tuế , vạn tuế , vạn vạn tuế “ “ Hoan hô Đấng nhân danh Chúa mà đến “ v.v.

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Truyền thống văn hoá xưa và nay (Tiểu sử làng Rùa)



Tại quê hương Miền bắc

Làng ta từ xa xưa là đât đồng chiêm trũng , nghề sống chính là làm ruộng , đời sống thì nghèo nàn , cực khổ cơm không đủ ăn áo không đủ mặc do đó không đủ điều kiện để mà học hành , Cha ông chúng ta chỉ lấy sự cần cù chịu khó lao động tiết kiệm bù vào việc học hành , cuối cùng đời sống vẫn thiếu thốn , đói nghèo ,
Bắt đầu từ năm 1900 , thời Cha già Sinh mở trường học Công giáo đầu tiên ở quê ta, để dạy chữ Nho và chữ quốc Ngữ Các Cụ đã thay đổi Tư duy, nếp nghĩ, cho con cháu học hành , hy vọng sẽ thay đổi được cuộc sống ấm no hơn ,mát mặ hơn ., đổi mới bộ mặt quê hương , góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước và của Giáo Hội
* Thật là như vậy , chỉ nhìn lại 50 năm qua, từ năm 1954 trở về trước quê ta đã có 6 thày Đồ dạy chữ nho :
Cụ Đồ Cả -- Cụ Đồ Thứ -- Cụ Đồ Lưu -- Cụ Đồ Trung --- Cụ Đồ Giới -- Cụ Đồ Mậu.
* Thời điểm dậy chữ Pháp và dậy chữ quốc ngữ : đã có các thầy dậy : Thầy giáo Đặng đức Cường , Đặg xuân Hào , Nguyễn Minh Ất, Nguyễn văn Bảo , Thầy giáo Tự ( Thầy Tự bi Tây bắn chết , chúng tôi xin kể vào các phần sau .
Trong thế hệ trước đã có Cụ Hàn Hoan đỗ Tước vị Hàn lâm, được chính phủ Pháp , chính phủ Việt Nam phong Tước vị “ Hồng Lô Tự Thiếu Khanh “ và Huân chương “ Bắc Đẩu Bội Tinh “ Nhiều người đã được bằng cao học , Thông Phán v.v.
* Ngày nay từ 1955 đến 2005 đẫ có các thày , các cô giáo chuyên dạy chữ quốc ngữ,
đó là Thày giáo Phúc , cô Giáo Ngà , Cô giáo Sang , cô giáo Bình , Thầy giáo Khoa .
Cũng có một số ít người được ưu tiên làm trong các tổ chức xã hội từ trung ương đến cấp thành phố .

Với đặc điểm quê ta có nghề phụ ,lại ảnh hưởng nhiều năm làm ăn tập thể , đời sống của bà con quê hương quá thiếu thốn, nếu có trình độ văn hoá mà xin đi làm đây đó lại phải xét theo lý lịch , vì nguyên nhân đó mà thế hệ trẻ chỉ cầu mong học hết cấp 2 là ở nhà kiếm tiền ăn ngay , vì vậy lớp tuổi trẻ ở quê hương rất ít các anh chị em học cao , mà ở nhà làm nghề ,
Từ năm 1994 trở về trước không có em nào học đại học . Nhờ có chính sách đổi mới , nhà nước mở cửa bang giao , người dân cũng thay đổi tư duy cho con cái đi học , do đó từ năm 1995 dến nay 2005 đã có nhiều em học Đại học như anh Hoàn con ông Thơm Năm 1995, con ông Phấn ( mùi ) năm 2000, con ông Nung năm 2002 , con ông Thung năm 2003 và con ông Hiển Xuân 2004 , con ông Mong năm 2005 và con ông Đoạt, con anh Thanh Lan ,con ông Cao … cùng một số em học trung cấp , hy vọng trong tương lai có nhiều em cố gắng học cao để đời sống nâng lên kịp với thời đại mới ., đem nhiều ích lợi cho Gia đình , quê hương xã hội và Giáo Hội .

Tâm tình của người đồng hương
Tình hình ; Văn hoá của bà con đồng hương tại miền Nam
Phải công nhận rằng đời sống kinh tế của bà con đồng hương ở miền Nam thuận lợi hơn , do đó đủ điều kiện để học hành , vì vậy có rất nhiều người có trình độ Tiến sỹ , giáo sư ,bác sỹ, nhiều đại học, Kỹ sư , nhiều Giám đốc phó giám đốc v.v. so với sức học ở miền Bắc , lại được đi du học nước ngoài v.v.
Năm 1975 nhiều gia đình đi định cư ở nước ngoài, lại có nhiều thuận lợi hơn trong việc học hành , do đó tới nay đã có nhiều người được bằng cấp rất cao .nhờ có sự ra đi để học tập khám phá tinh hoa của thế giới bên ngoài , nếu nhìn về quá khứ chúng ta nhận thấy : Trước năm 1945, làng ta ít người đỗ cao , lại không muốn đi học nhiều , không ai muốn đi xa để học , hoặc không muốn đi làm ở nơi xa mà chỉ muốn ở nhà , gắn bó với quê hương , sống với đồng ruộng , nghề nhiệpđể lấy tiền ăn ngay mà thôi, tư duy này không thay đổi được , vì thế đời sống bà con rât cực khổ .
Từ khi kháng chiến bùng nổ năm 1946 , vì thời thế bắt buộc bà con phải đi Tản cư nơi này nơi nọ, tỉnh này , huyện khác mà làm ăn sinh sống , dần dần cũng phải quen ..Năm 1954 bà con lại phải di cư vào Nam , cách xa quê hương khoảng 1800 cây số lúc đầu thật là hoang mang ,chán trường , rồi sau ổn định . Năm 1975 , khi giải phóng Miền Nam nhiều người , nhiều Gia đình lại ra đi một lần nữa , định cư ở nhiều nước trên thế giới ,cách xa quê hương nửa vòng trái đất , có sự ra đi ấy , thế hệ trẻ ngày nay mới được học hành , mới phát huy khả năng của mình,nhờ đó đã có nhiều người Hoc vấn rất cao , Tư duy định cư cố định nơi quê hương không còn được giữ vẹn tròn như xưa nữa . Vì ngày nay Công nghệ phát triển rất cao , như Điện thoại , Ti vi , In tê nét,v.v. đã làm cho chúng ta xích lại gần nhau .
Nửa thế kỷ qua dã 3 lần ra đi xa quê hương , mỗi lần ra đi là một lần thầm nghĩ mình không hy vọng bao giờ có ngày trở lại , thật là buồn tủi cho người phải ra đi Nhưng lạ thay , lạy Chúa chúng con không ngờ, mọi việc Chúa làm, mọi sự đổi thay qua sức tưởng tượng của chúng con ..
Mặt khác, từ ở miền Nam đã phát sinh được nhiều Linh Mục , là những hoa thơm trái ngọt , tô thắm thêm mầu sắc cho quê hương
Tất cả những thành quả trên đây , dân làng chúng ta cũng đáng tự hào trước Anh Linh của các Vị Tiền Nhân. Cùng ghi nhớ công đức của tổ tiên chúng ta .
.Chúng con hết lòng tạ ơn Chúa

Đặng Danh Thơm

Tiểu sử làng Rùa(Đàn Giản)

Chương 1
1. Tên làng

Làng Đàn giản , tức làng Rùa hạ ngày nay. Từ xưa tới nay không có bút tích nào ghi lại về nguồn gốc Tên làng xuất xứ từ bao giờ , hoặc gia đình nào, chi tộc nào khai sinh ra quê hương làng Rùa mà được tồn tại cho thế hệ hôm nay và mai sau .
Theo truyền thuyết, cũng như căn cứ vào Ngọc phả còn lưu laị tại đình làng ta , trùng hợp với Ngọc phả của các đình làng thôn Từ am – thôn Gia vĩnh và thôn Dư dụ , đồng thời căn cứvào lịch sử Giáo hội công giáo Việt nam thì Tên Trại Rùa, Trại am , xã Đàn giản đã có từ thời Nguyễn bính 1572 , nhất là thời vua Minh mệnh cấm đạo công giáo , đã nói đến tên tuổi trại Rùa trong sử sách Công giáo,qua đó chứng minh được rằng ,địa danh làng Rùa đã có từ hàng ngàn năm rồi .

+Tên làng Rùa có ý nghĩa gì :

Theo truyền thuyết kể lại , cũng như các nhà địa lý giải thích: Đặt tên làng Rùa là dựa trên địa hình Thổ cư hình mai con Rùa , dọc giữa làng thì cao, xung quanh thì thấp dần , đồng ruộng bao bọc quanh làng . Lại có truyền thuyết kể lại;
Từ xa xưa khi các Cụ mới định cư,khai sinh ra trại Rùa trong những buổi sáng ,các Cụ thường ra đồng thăm lúa và hoa mầu , nhiều lần gặp những chú Rùa vàng bò trên đường đi, khi gần tới , thì các chú Rùa vàng biến mất, nhiều lần gặp Điềm lạ như vậy , tin lành đồn đi xa, do đó bà con dân làng có ấn tượng sâu sắc, từ đó quen gọi là làng Rùa và cũng là tên chính thức hiện nay. Đặc biệt tên và biểu tượng con Rùa còn có ý nghĩa : Cao đẹp , trường tồn, vĩnh cửu Tên Rùa còn được miêu tả trong các câu chuyện dân gian, có phép mầu như Thần Kim quy,Rùa vàng Hoàn kiếm cho Vua Lê, trong văn miếu Quốc Tử giám cũng được trưng bầy hàng trăm con Rùa đá,biểu trưng cho các bậc hiền triết.chính nhờ đó qua nhiều thế hệ,từ cổ tới kim người dân rất trân trọng yêu mến danh từ đó, vì đã được chính các cụ tổ tiên khai sinh và đặt tên cho
Làng Rùa, từ xa xưa còn gọi là làng Đàn giản. Vào đầu thế kỷ 16, thời Nguyễn Bính năm 1572, làng Rùa sát nhập với làng Thượng và xóm Từ Am, gọi là xã Đàn giản .Thời gian đầu khi mới nhập đạo, những gia đình theo đạo gọi là thôn Giáo, còn những gia đình không theo đạo thì gọi là thôn Trung, những gia đình tuy theo hai đạo khác nhau , nhưng cùng chung sống lẫn nhau, trên cùng một địa bàn dân cư .
Từ năm 1900 đến 1930 xã Đàn giản sát nhập với xã Vĩnh thị và xã Gia dụ, rồi đổi tên là xã Thuỳ dụ. Từ năm 1930 đến năm 1953 xã Thuỳ dụ sát nhập với xã Văn hoá (tức xã Thanh văn ) rồi gọi tên chung là xã Văn thuỳ, thuộc tổng Hà liễu, quận Văn điển, tỉnh Hà đông .
Từ năm 1954 xã Văn thuỳ phân chia làm hai xã như cũ, xã Văn hoá đổi tên là xã Thanh văn, còn xã Thuỳ dụ cũ đổi tên là xã Thanh thuỳ, hai xã này cùng thuộc huyện Thanh oai, tỉnh Hà tây.
2+Vị trí địa lý, hành chính .
Làng Rùa (còn gọi là Đàn giản), nằm về phía nam thủ đô Hà nội cách trung tâm Hà nội khoảng 15 cây số theo đường chim bay, sinh sống hai bên triền sông Nhuệ giang .
Làng Rùa, nay gọi là thôn Rùa hạ, cũng như nhiều làng quê khác có luỹ tre xanh bao bọc quanh làng, có đồng chiêm trũng rộng bát ngát có giếng nước, cây đa,cây đề,cổng làng, nhiều nhà trồng những cây cau, cao thẳng ,những buồng hoa cau toả mùi hương cau thơm mát,đậm tính đồng quê Việt Nam , nhiều cây gạo lớn ở cửa nhà Thờ, ở bãi nâu,ở đình làng, ở nền tạm,ở khu Vườn thánh, tất cả cùng đua nhau nở hoa khoe sắc đỏ chói bừng sáng hồng in trên nền trời xanh.Làng ta có nhiều di sản văn tôn giáo, như nhà Thờ, đình chùa, miếu mạo, vườn thánh,lại có dòng sông Nhuệ giang từ Cầu đen chẩy về đem phù sa mầu mỡ cho đồng ruộng, rồi chẩy ra cầu Chiếc, chẩy xuôi xuống Đồng quan . Dòng sông Nhuệ chẩy qua, khác chi mạch máu hồng tươi chảy dọc giữa cơ thể nuôi dưỡng đồng quê, đã chia làng ta thành hai khu dân cư, phía đông là xóm Trại, phía tây dòng sông gọi là xóm Thượng và xóm trung, liền kề quốc lộ 71, thuận lợi cho việc đi lại bang giao với các nơi .
Làng ta muốn đi Thủ đô Hà nội, có 3 lối :
+Lối 1:từ làng qua làng Gia vĩnh, dư dụ, qua cầu Chiếc rồi tới Thường tín, thẳng quốc lộ 1 rồi lên Hà nội, khoảng 25 cây số.
+ Lối 2: Từ làng qua Bối khê , Bình đà, Thạch bích, Ba la, lên thị xã Hà đông rồi thẳng tới Hà nội, khoảng 20 cây số .
+Lối 3: Từ làng qua thôn rùa thượng cầu đen Vanh giả, rồi tới Quỳnh đô, Văn điển tới quốc lộ 1 rồi thẳng tới Hà nội, khoảng 17 cây số .

3 + Đặc điểm địa dư các xóm xưa và nay :
Làng Rùa ta từ xa xưa,chia làm 3 xóm chính
a+ Xóm Thượng : nằm ở phía tây bắc sông nhuệ,có một chiếc cổng làng xây bằng gạch rất kiên cố,ở vị trí ngang nhà anh Ninh loan bây giờ, xóm thượng, có ngôi nhà thờ, nhà xứ, có khu Vườn thánh, có giếng nước cây đề cổ thụ, xóm thượng được kể từ nhà thờ trở lên cổng làng, trước năm 1954, dân cư chỉ ở từ cổng làng trở xuống nhà thờ,lối ra bờ giếng chỉ đến nhà ông Nhâm là cuối cùng . ngày nay 2005 dân số đã tăng nhiều, bà con dân làng đã làm nhà vượt ra khỏi cổng làng hết khu ruộng móc rắn,gần hết khu ruộng mả lê, kín cả khu bờ giếng, và khu sau ao. Xóm Thượng đất chật người đông, kinh tế thì nghèo, trước năm 1954 cả xóm chỉ có 9 ngôi nhà ngói đơn sơ ( nhà cụ nhiêu Thăng, cụ Quý Viết, cụ Trừ Tịnh, cụ Hương Nhân, cụ Kiểm Cốc, cụ Sử, cụ Quản Tuynh cụ Nguyên Hưởng, cụ Trang Đài)
Ngày nay nhờ có chính sách đổi mới, xóm Thượng đã giầu, có tới 40 ngôi nhà mái bằng hiện đại,chiếm 20%, nhiều nhà cao tầng lộng lẫy,nhiều nhà còn làm bằng gỗ kiểu cổ hiện đại, nhiều nhà đã có những đồ dùng đắt tiền,không còn nhà tranh tre lợp bằng rơm rạ như xưa.
b - Xóm Trung xưa và nay :
Xóm trung nằm ở về phía tây nam sông Nhuệ giang, đối diện với xóm trại, xóm Trung được kể từ dưới nhà thờ trở xuống nhà ông Cao bây giờ,xóm trung có ngôi Chùa cổ kính, có 1 cái cổng xây bằng gạch hiện đại,nằm ở vị trí ngang nhà ông Tám bây giờ, có khu nhà Thờ cũ, có chiếc cầu qua sông sang xóm trại,các cổng làng của các xóm,sau cải cách ruộng đất năm 1957 đã phá đi,ai cũng luyến tiếc. Những năm gần đâydân số phát triển, dân cư đã làm nhà vượt ra khỏi cổng làng, dọc theo bờ sông xuống đình Gia vĩnh, và còn ở hết khu sau ao, dia vực, dia luỹ tre nhà xứ v. v. Chiếc cầu Gồ nay được thay thế bằng đường lát gạch, có cống dẫn nước.
Trước năm 1954 cả xóm trung chỉ có 17ngôi nhà ngói đơn sơ:(nhà cụ Thơ Hiền, cụ Thọ Khang,cụ quỹ Từ, cụ chánh Trì,cụ chánh Tạo, cụ Kính Nụ,cụ lý Cơ, cụ ba Soạn, cụ Đồ Giới, Cụ Quỹ Năng, cụ ba Khương, cụ Trùm Cập, cụ Trùm Đúc,cụ hai Cậy,cụ Hồ Giáp,cụ phó Nhâm,cụ hào Khương . )Ngày nay đời sống đã đổi thay,không còn nhà tranh vách đất, lợp bằng rơm rạ như xưa,nhiều nhà mái bằng, nhà cao tầng lộng lẫy đã mọc lên, chiếm 20% nhiều nhà đã có những đồ dùng đắt tiền.

C- Xóm Trại xưa và nay :

Xóm trại nằm ở phía đông sông Nhuệ giang, đối diện với xóm trung và xóm thượng,địa bàn xóm trại có Đền Thánh tử đạo, có chợ, nhà hộ sinh Công giáo, lăng sư,có trường học đầu tiên của công giáo,có 2 giếng nước ăn ,và 2 cổng làng xây bằng gạch kiên cố, một cổng ở ngang cửa nhà ông Long tươi bây giờ, còn một cổng ở trước cửa nhà anh Thạch bây giờ. Các cổng , giếng, chợ, trường, nhà hộ sinh nay không còn nữa, nhưngvẫn còn ghi dấu ấn trong tâm khảm của nhiều người cao niên .
Trước năm 1954, xóm trại toàn tòng người công giáo, đất rộng người thưa,ngoài việc làm đồng ruộng, nhiều gia đình làm nghề lò rèn, đánh kiềng, đanh khuy, đanh thuyền,dõng rãnh .đời sống nghèo khổ,cả xóm chỉ có 13 ngôi nhà ngói đơn sơ ( nhà cụ Hàn Hoan, cụ Phượng Tành, cụ Vinh Tầm, cụ Cả Lân,cụ Thường Loan, cụ Phượng Loan, cụHải Hà, cụ Thơ phúc,cụ Thơ Lực, cụ Từ Hoan,cụ Đội Lan,cụ Phận, ngày nay 2005 đời sống đã đổi thay nhiều, không còn nhà tranh vách đất,có tới 30 ngôi nhà mái bằng ,nhà cao tầng kỉên cố ,lộng lẫy,chiếm 20%số hộ,nhiều nhà đã sắm những đồ dùng đắt tiền.

5 - Đất thổ cư và thổ canh xưa và nay.

* Đất thổ cư: Từ năm 1954 trở về trước chỉ có khoảng 13 mẫu bắc bộ =45.000 mét vuông, đầu làng chỉ có từ nhà anh Ninh loan trở xuống, khu bờ giếng kể từ nhà anh Minh Kínhtrở vào,cuối làng chỉ có từ nhà ông Cao trở lên, khu sau ao chỉ có từ nhà ông Phúc Đoán trở vào,xóm trại chỉ có từ nhà ông Long tươi trở vào,và xóm chợ chỉ có từ nhà anh Thạch Hường trở vào.Ngày nay dân cư các xóm đã vượt ra khỏi gianh giới nói trên, số diện tích thổ cư lên tới 30 mẫu bắc bộ,tăng nhiều so với trước đây.
* Đất thổ canh :Diện tích canh tác trước năm 1954,làng ta có khoảng 500 mẫu bắc bộ nằm trong địa bàn đồng làng ta,ngoài ra có khoảng 100 mẫu thuộc địa bàn các thôn lân cận :một số ở đồng chùa đeo,đồng Quan nhân, Liễu nội, Thiên đông, Bối khê.Rùa Thượng, diện tích canh tác phần lớn thuộc quyền sở hữu tư điền, diện tích công điền chỉ có một số ít để điều hành các việc công .
Ngày nay diện tích canh tác đã mất đi quá nhiều với những lý do sau :
Từ sau cải cách ruộng đất năm 1957 diện tích canh tác quy hoạch lại, thu hồi diện tích của tư điền để công hữu hoá, không còn tư hữu, tất cả là của chung, mọi người phải vào hợp tác xã v.v.
Một số diện tích ở đồng các thôn chuyển cho các thôn đó .
Một số diện tích chuyển cho các cơ quan đơn vị nhà nước (khu đồng túc để làm ao cá, hơn 10 mẫu bắc bộ).
Một số diện tích chuyển để xây dựng các cơ sở vật chất :như Khu chợ mới, khu làm việc của Uỷ ban, khu làm việc của Hợp tác xã nông nghiệp,ao thả cá, khu trường học cấp 1 và cấp 2, khu bãi bóng Tổ rồng, Khu nghĩa trang nhân dân,khu làm lò gạch, làm trạm bơm ,làm ao Đình v.v.
Một số diện tích giãn dân:như khu đầu làng,khu mả lê, móc rắn khu sau ao,bờ giếng ,dia luỹ,khu sau ao dia vực, nền tạm,khu vườn xưa, mả bòng,góc bãi, khu cửa bến v.v diện tích canh tác hiện nay chỉ còn khoảng 300 mẫu bắc bộ.

6 - Các dòng họ xưa và nay:Theo các cụ cao niên truyền lại, căn cứ vào sổ sách điều tra dân số của công giáo năm 1900 cho thấy :từ xa xưa làng ta có 6 dòng Họ chính
1- Họ Đặng thuộc chi tộc cụ Lý Đệ (tức chi cụ Thọ Khang,cụ câu Thinh bây giờ)
2- Họ Lê thuộc chi tộc cụ Ong ( tức chi cụ Trí tuệ, cụ nhiêu Viết, cụ ba Soạn bây giờ )

Họ Nguyễn có 3 chi tộc.
3- Họ Nguyễn thuộc chi tộc cụ Trùm Cập ( tức chi cụ Minh Ất, cụ Thơ Hiền bây giờ )
Họ Nguyễn thuộc chi tộc Cha già Tín ( tức chi cụ cả Lân bây giờ )
Họ Nguyễn thuộc chi tộc Cha già Tư ( tức chi cụ Toà bây giờ )
4 -Họ Lý thuộc chi tộc cụ Lý Cơ bây giờ .
5 - Họ Tạ thuộc chi tộc cụ Hồ Giáp, cụ hào Khương,cụ Phó Nhâm bây giờ .
6 -Họ Trần thuộc chi tộc cụ Lạng bây giờ .
Họ Lý, họ Tạ , họ Trần, 3 họ này không có người theo đạo, họ Nguyễn, họ Lê thì một số theo đạo Thiên chúa, còn một số theo đạo Phật , Đặc biệt có một họ Đặng thì theo đạo toàn diện Trải qua nhiều thế hệ,làng ta là nơi “đất lành chim đậu” nhờ đó đã có nhiều dòng họ mới cùng chung sống xây dựng quê hương: như họ Hoàng, họTrịnh,họ Thái, họ Kiều, họ Đỗ,họ Vũ, họThẩm, họ Ngô. Đa số là họ nguyễn và họ Tạ , nhưng mỗi họ không cùng một nội tộc.

Đặng Danh Thơm

Đôi lời

Dòng họ Đặng ở xứ Đàn Giản bị phân tán khắp nơi do hoàn cảnh lịch sử, người thì vô Nam, người thỉ ở Bắc, người thì bên hải ngoại. Thông tin về quê hương, thông tin về họ hàng dòng tộc không có. Vì vậy, Blog này được tạo ra với mong muốn xây dựng kênh thông tin chung về dòng tộc, về giáo xứ. Vì vậy, rất mong các Bác, các anh các chị ủng hộ, hợp tác để đăng tin.
Cụ thể, nội dung sẽ cung cấp những thông tin sau:
- Tin tức chung về dòng tộc ở họ Đặng ở khắp mọi nơi.
- Thông tin về giáo xứ Đàn Giản
- Hình ảnh dòng tộc ở mọi nơi.

Hy vọng blog này như một gia phả của dòng tộc, là một kênh để tìm kiếm thông tin về dòng tộc.

Chân thành cảm ơn!

Đặng Khải Hoàn